Vụ việc chồng chém 2 cánh tay vợ ở Đồng Nai đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội. Theo xác minh ban đầu, trưa ngày 13/9, mâu thuẫn của vợ chồng anh Thái Xuân Bình (34 tuổi) bắt đầu xảy ra.
Được biết, mâu thuẫn này được cho là bắt nguồn từ những hình ảnh ngọt ngào của hai vợ chồng đi du lịch được người vợ đưa lên Facebook cá nhân, sau đó nhân tình của vợ xem được bức hình đó và đã lấy tài khoản của chị T., nhắn tin khiêu khích, thậm chí còn gửi hình ảnh của hai người cho anh Bình.
Lúc này, do nghi ngờ vợ có quan hệ tình cảm với người khác nên Thái Xuân Bình (34 tuổi) đã '3 mặt 1 lời' với chị T. Tuy nhiên, chị T đã nói những lời không hay, thậm chí thách thức, do vậy Bình tức giận đi vào nhà bếp lấy dao chém liên tiếp nhiều nhát vào người chị T. Chị T đưa 2 cánh tay lên đỡ thì bị Bình chém đứt lìa.
Khi biết được nguyên nhân vụ việc, công chúng không khỏi thắc mắc, hành vi của 'người thứ ba' có liên quan đến án mạng hay không, có vi phạm pháp luật không?
Luật sư Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Công ty luật TNHH Chính Tín, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Qua theo dõi sự việc có thể thấy rằng bi kịch của gia đình anh Bình có nguyên nhân lớn khi anh Bình nhận nhiều sự khiêu khích từ phía gã tình nhân của người vợ.
Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể hành vi phá hoại hạnh phúc gia đình người khác là như thế nào, nên không có tội phá hoại hạnh phúc gia đình người khác trong luật. Tuy nhiên, theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP người có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng hoặc vi phạm ly hôn, kết hôn và trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 có một chương riêng là Chương XVII quy định về các loại tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình.
Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ mà 'người thứ ba' có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, đối với mức xử phạt hành chính, căn cứ vào Nghị định 82/2020/NĐ-CP người có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng hoặc vi phạm ly hôn, kết hôn sẽ tùy thuộc vào tính chất, mức độ mà có các mức phạt tiền khác nhau bao gồm: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi được quy định tại Khoản 1, Điều 59, Nghị định này; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi được quy định tại Khoản 2 Điều 59 của Nghị định này.
Về chế tài hình sự, điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng quy định:
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Bên cạnh đó, việc 'người thứ ba' gửi ảnh riêng tư của mình với người vợ cho anh Bình có dấu hiệu vi phạm vào Điều 155 về tội làm nhục người khác.
Ngoài ra, Luật sư Toàn cho rằng: 'Trong vụ việc trên, có thể thấy rằng với hành vi của người thứ ba xen vào làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình của người khác không chỉ là hành vi xấu, vi phạm đạo đức lối sống mà còn là hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, để quy kết trách nhiệm, cũng như mức phạt thì cần phải căn cứ vào kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra để khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Qua tiến trình điều tra, truy tố và xét xử hình phạt sẽ được ấn định khi bản án có hiệu lực pháp luật'.