Muôn kiểu trá hình, biến tướng
Thông tin trên được Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết tại buổi làm việc giữa Bộ Công an và Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội về kết quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.
Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, thời gian vừa qua, cùng với việc chủ trì, tham mưu ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật nói chung, Bộ Công an cũng chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, trong đó, có nhiều chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy, mại dâm, cờ bạc, cá độ bóng đá.
Đối với tội phạm và tệ nạn liên quan đến mại dâm, theo lãnh đạo Bộ Công an, đã giảm hẳn ở hầu hết các địa phương do thực hiện giãn cách xã hội phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, các hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, cà phê vườn, karaoke, massage... dừng hoạt động nên các đối tượng không còn điều kiện để núp bóng hoạt động.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, hoạt động mại dâm có xu hướng dịch chuyển sang nhiều hình thức khác như "gái gọi", "gái bao", "trai bao", "sugar baby", "con nuôi"...Các nhóm đối tượng lợi dụng internet, mạng xã hội để đăng hình ảnh tiếp thị, thỏa thuận đến địa điểm cao cấp, như: biệt thự, căn hộ chung cư, trên tàu biển, tàu du lịch, theo các hoạt động, tour du lịch, thể thao...thậm chí ra nước ngoài để hoạt động mại dâm.
Đáng lưu ý, các đối tượng, đường dây hoạt động chuyên nghiệp có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, trong đó có sự tham gia của một số người mẫu, diễn viên, sinh viên, người tham gia các cuộc thi sắc đẹp.
Sẽ tham mưu để sửa đổi Pháp lệnh phòng, chống mại dâm
Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2020, lực lượng công an phát hiện, xử lý 553 vụ chứa, môi giới mại dâm (tăng 18,42% so với cùng kỳ năm trước) với 1.115 đối tượng (giảm 12,96%). Sáu tháng đầu năm, phát hiện, xử lý 295 vụ (tăng 9,26% so với cùng kỳ năm 2020) với 592 đối tượng (tăng 9,43%).
Lãnh đạo Bộ Công an cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu với Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; trọng tâm là đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật đã ban hành từ lâu, không còn phù hợp với thực tế, như: Pháp lệnh về phòng, chống mại dâm; Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình.