Mặc dù đã thoát khỏi cảnh mắc cạn nhưng siêu tàu Ever Given vẫn chưa thể ra khỏi kênh đào Suez. Bởi lẽ, Giám đốc Cơ quan Quản lý kênh đào Suez là ông Osama Rabie khẳng định, Ai Cập chỉ thả siêu tàu sau khi đạt được các thỏa thuận bồi thường cho những thiệt hại và chi phí giải cứu con tàu trong gần một tuần mắc kẹt tại kênh đào Suez. Sau khi việc bồi thường đạt được thỏa thuận, mọi vấn đề sẽ kết thúc và con tàu được phép rời khỏi kênh đào Suez.
Cơ quan Quản lý kênh đào Suez cho biết, trong suốt 6 ngày giải cứu, giới chức Ai Cập đã phải dùng tới 15 tàu kéo, hai tàu hút cát và làm việc trong 24 giờ/ngày. Việc con tàu chắn ngang kênh đào Suez trong một thời gian dài đã khiến Cơ quan Quản lý kênh đào Suez mất doanh thu khoảng 15 triệu USD (hơn 344 tỷ đồng) mỗi ngày.
Hồi đầu tháng 4, cơ quan này đã đưa ra yêu cầu đòi bồi thường hơn 1 tỷ USD (gần 23 nghìn tỷ đồng) cho vụ giải cứu tàu Ever Given để đền bù thiệt hại về doanh thu ở kênh đào Suez, chi phí thiết bị, máy móc và tiền công cho 800 nhân viên cứu hộ tham gia cuộc giải cứu.
Chủ tịch Evergreen Marine Corp (hãng thuê tàu Ever Given) cho biết công ty không chịu trách nhiệm bồi thường. Trong khi đó, công ty sở hữu con tàu là Shoei Kisen Kaisha nói rằng chưa được chính quyền Ai Cập liên hệ, vì vậy hiện vẫn chưa rõ bên nào sẽ trả tiền bồi thường.
Hiện tại, các nhà chức trách và thủy thủ của con tàu vẫn đang điều tra nguyên nhân của sự cố. Trong trường hợp vấn đề bồi thường liên quan tới việc kiện tụng, Ever Given và lượng hàng hóa trị giá 3,5 tỷ USD trên tàu đều không được phép rời khỏi Ai Cập.
Mặc dù sự cố tàu Ever Given mắc kẹt trên kênh đào Suez chỉ diễn ra tạm thời nhưng nó đã chặn đứng dòng vận chuyển hàng hóa có quy mô lên đến gần 10 tỷ USD mỗi ngày. Đồng thời, đây cũng là hồi chuông nhắc nhở về lỗ hổng thương mai toàn cầu và chuỗi cung ứng cồng kềnh, phức tạp.
Giải cứu thành công siêu tàu Ever Given bị mắc kẹt tại kênh đào Suez