Một người phụ nữ 36 tuổi ở Nam Phi nhiễm HIV giai đoạn cuối đã sống chung với COVID-19 trong 216 ngày. Trong suốt thời gian này, SARS-CoV-2 âm thầm sinh ra các đột biến trong chính cơ thể của vật chủ.
Khi xâm nhập vào cơ thể nữ bệnh nhân, nCoV đã đột biến 32 lần. Trong đó, có 13 đột biến ở protein (giúp virus thoát khỏi phản ứng miễn dịch của cơ thể) và 19 đột biến khác có thể làm nCoV thay đổi hành vi.
Đồng thời, trong cơ thể bệnh nhân cũng có nhiều đột biến từng xuất hiện ở các biến chủng nguy hiểm. Gồm E484K (một phần của biến chủng B.1.17 được tìm thấy ở Anh) và N510Y (biến chủng B.1.351, được tìm thấy ở Nam Phi).
Đây đều là những biến chủng được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào danh sách nguy hiểm gấp nhiều lần virus ban đầu với tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Cụ thể, biến chủng B.1.17 có khả năng lây truyền cao hơn tới 70%, còn ở biến chủng B.1.351 là 50% so với chủng cũ.
Thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, hiện tại chưa rõ liệu đột biến virus trong cơ thể nữ bệnh nhân có khả năng lây sang người khác hay không. Vị này cũng cảnh báo trường hợp này có thể dễ dàng bị bỏ qua. Bởi lẽ, nữ bệnh nhân chỉ gặp phải triệu chứng nhiễm COVID-19 ở mức độ nhẹ. Do đó, cô cho rằng bản thân đã khỏi bệnh mà không biết rằng, virus vẫn tồn tại trong cơ thể gần 8 tháng nhưng không biết mất.
Người phụ nữ này chỉ được phát hiện khi tham gia một nghiên cứu về phản ứng miễn dịch người nhiễm HIV với COVID-19. Dự án này gồm 300 bệnh nhân và nhóm tác giả cũng phát hiện được 4 người nhiễm HIV đã mang virus nCoV ở cơ thể trong suốt 1 tháng.
TS. Juan Ambrosini, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Barcelona hy vọng đây là trường hợp duy nhất của thế giới. Bởi lẽ, COVID-19 sẽ làm tình trạng suy giảm miễn dịch của người nhiễm HIV trở nên trầm trọng hơn.
Ông cũng cho cho biết, một số bệnh nhân bị ức chế miễn dịch không phải do HIV cũng có thể nhiễm nCoV trong thời gian dài. Trước đó, một người được cấy ghép thận đã dương tính với SARS-CoV-2 trong gần 1 năm.
Việc phát hiện nCoV đột biến trong cơ thể bệnh nhân nhiễm HIV là phát hiện có tầm quan trọng đặc biệt với công cuộc chống COVID-19 và HIV tại Châu Phi. Lý do là vì, HIV đã trở thành tai họa trong suốt 4 thập kỷ và giết chết 32 triệu người trên toàn cầu.