Mới đây nhất, người dân và giới nghệ sĩ được một phen "hốt hoảng" khi nhìn thấy mô hình trái tim bằng mây tre với hình dáng rất "kinh dị" được đặt cạnh hồ Gươm. Cụ thể, mô hình này được họa sĩ Nguyễn Trâu chụp và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đăng tải trên Facebook với nhan đề “Họ bị làm sao thế này”.
Trong bài đăng Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết: “Đêm qua đã rất muộn nhưng điện thoại của tôi vẫn réo dồn dập nhiều lần. Vì thế tôi phải nhìn màn hình xem ai gọi vì chắc có việc gấp. Người gọi là họa sĩ Nguyên Trâu. Và câu chuyện bức xúc trong khuya của ông là chuyện người ta đặt một cái hình trái tim nhìn đến rùng mình - đã được nhà thơ, hoạ sĩ Lê Anh Hoài đưa trên Facebook của mình - ngay ở một nơi đẹp và trang trọng nhất Thủ đô: Hồ Gươm.
Họa sĩ Nguyên Trâu bức xúc là đúng. Ngay trên bờ Hồ Gươm mà cho dựng lên một hình ảnh quái dị như thế này quả là người ta đang bị làm sao ấy, không bình thường...”.
Bài viết ngay sau khi được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Đa phần mọi người đều phê phán gay gắt việc đặt mô hình với hình thù quái dị, xấu xí tại một nơi được coi là "trái tim" của thủ đô Hà Nội.
“Hình trái tim thì tốt thôi nhưng hình trái tim lông lá tua tủa thế này quá xấu, nhìn rùng hết cả mình", "Ủa chứ sao một thứ tim toàn lông thế này lại đặt ở giữa thủ đô vậy, tưởng đây là Đà lạt sao", "Khi bạn muốn đến Đà Lạt nhưng không biết phải làm thế nào", "Nhìn kệch cỡm vô cùng",...- một số bức xúc từ dân tình.
Không chỉ người dân phản ứng mà rất nhiều các nhà văn cũng bức xúc lên tiếng về vụ việc này. Trao đổi với báo chí, nhà văn Chu Thơm cho hay: "Sao người ra lại biến Hồ Gươm, Thủ đô thành ao làng vậy? Đó là nơi văn hóa, linh thiêng không phải đặt cái gì ở đó cũng được. Hình trái tim đó chỉ hợp với phong cảnh núi rừng, mang ra giữa nơi hoa lệ mà trưng bày là phản cảm, không biết sở VH, TT Hà Nội có biết chuyện này không? Chúng ta hiện nay đang lúng túng trong việc quy hoạch thành phố, Hà Nội ngàn văn văn vật "kén chọn" lắm chứ không phải đặt gì vào trang trí cũng được. Việc đặt mô hình trái tim kia là nhỏ, nhưng chuyện lớn hơn là việc quản lý văn hóa. Không hiểu người làm văn hóa nghĩ gì về việc này?".
Trước làn sóng phản đối gay gắt của dư luận, ông Tô Văn Động - Giám đốc sở VH&TT Hà Nội cho biết mô hình này đã được yêu cầu dời đi: "Trái tim này là của người dân làng nghề mang tới, đang thi công để tối nay (11/12) bắt đầu đầu trưng bày Lễ hội văn hoá dân gian trong đời sống đương đại năm 2020.
Tuy nhiên, vì không nằm trong thiết kế tổng thể của không gian lễ hội đã được sở VH,TT duyệt từ trước đó nên buộc phải mang đi. Trong lúc chờ xe chở đi thì được đặt tạm ở Bờ Hồ- đoạn gần các gian hàng đang thi công. Vì hình thù kỳ lạ nên nhiều người đi qua chụp ảnh và vì cũng không được giải thích trước đó nên nhiều người tưởng nhầm là Bờ Hồ có thêm tiểu cảnh".
Được biết, trước mô hình “trái tim lông lá” này, đã có rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt từng vấp phải sự phản đối gay gắt của dư luận. Điển hình như ý tưởng dựng tượng King Kong trong phim "Đảo đầu lâu" ở bờ Hồ, hoặc dựng tượng rùa vàng.
Hay gần nhất là bộ tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của nhóm tác giả Nhà điêu khắc Mai Thu Vân, NĐK Nguyễn Ngọc Lâm và Kiến trúc sư Đỗ Anh Tuấn, kỷ niệm 65 năm giải phóng Thủ đô đã khiến nhiều khách du lịch nhầm là nhà vệ sinh và vào phóng uế bừa bãi gây mất cảnh quan đô thị.