Đời Sống

Người nhà gửi đơn xin khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho bà Nguyễn Phương Hằng

Hương Ly - 05/10/2022 14:39 GMT+7

Con trai ruột bà Nguyễn Phương Hằng đã làm đơn xin khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho mẹ với lý do có nhiều hoạt động thiện nguyện, đóng góp trong đại dịch Covid-19.

Theo Bảo vệ Pháp luật, ông Nguyễn Quang Tuấn là con ruột bà Nguyễn Phương Hằng (nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) đã làm đơn đến các Cơ quan tiến hành tố tụng xin khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho mẹ mình.

Người nhà bà Nguyễn Phương Hằng đã gửi đơn đến các Cơ quan chức năng xin khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt. (Ảnh: Bảo vệ pháp luật).

Lý do là từ trước đến nay bà Nguyễn Phương Hằng đã có nhiều đóng góp trong hoạt động từ thiện, nhân đạo, nhất là trong đại dịch Covid-19. “Điều này được thể hiện qua hàng loạt thư cảm ơn, bằng khen, giấy khen, giấy Tri ân …. của nhiều cơ quan, tổ chức xã hội trao tặng để ghi nhận mẹ tôi và công ty cổ phần Đại Nam, quỹ Hằng Hữu do mẹ tôi là giám đốc điều hành có đóng góp công sức, ủng hộ, hoạt động nhân đạo”, ông Tuấn cho biết.

thuy-tien-phuong-hang-8-082104-0

Cũng theo ông Tuấn cho biết: “Thông qua Luật sư được biết qua các buổi hỏi cung mẹ tôi đã nhận thức được sai phạm, thành khẩn khai báo, tỏ thái độ ăn năn hối cải và cam kết không tái diễn hành vi sai phạm. Vì vậy, mong các cơ quan tiến hành tố tụng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt đến mức thấp nhất cho mẹ tôi và xin được bảo lãnh cho mẹ tôi tại ngoại để điều trị bệnh cho đến khi kết thúc vụ án”.

Theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự, hoạt động từ thiện của bà Phương Hằng nếu được UBND cấp quận trở lên hoặc các cơ quan tương đương tặng bằng khen, giấy khen sẽ được xem như tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.

Khoản 1 điều 51 bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự 2017 liệt kê một số các tình tiết được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, như sau:

“Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

m) Phạm tội do lạc hậu;

n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

r) Người phạm tội tự thú;

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.“