Đời Sống

Đề xuất phạt tù lái xe vi phạm nồng độ cồn dù chưa gây tai nạn

Theo Tổ Quốc - 04/06/2022 10:47 GMT+7

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, có khoảng 40% số vụ TNGT, 11% số người chết có liên quan rượu, bia và con số này có xu hướng gia tăng.

Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại nút giao Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ (thành phố Bắc Giang) vào tối 02/6 khiến 3 người tử vong tại chỗ khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Vào thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc Audi màu trắng lao đi với tốc độ rất nhanh, tông trực diện vào xe máy đang qua ngã tư, khiến 3 nạn nhân trên xe máy văng xa và tử vong tại chỗ.

01654314695.jpeg
Camera ghi lại khoảnh khắc xảy ra tai nạn.

Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang sau đó xác định tài xế xe Audi là Nguyễn Quốc Thịnh (cán bộ Sở GTVT Bắc Giang), có nồng độ cồn trong cơ thể là 0,604 mg/l khí thở. Mức này cao gấp 1,5 lần mức “kịch khung” quy định tại Nghị định 100.

Nguyễn Quốc Thịnh sau đó đã bị Công an TP.Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) ra Quyết định tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ công tác điều tra.

Vụ tai nạn một lần nữa khiến dư luận không khỏi bức xúc, phẫn nộ trước hành vi sử dụng rượu bia gây tai nạn nghiêm trọng của tài xế xe Audi.

Phần đầu chiếc Audi hư hỏng nặng sau cú tông kinh hoàng khiến 3 nạn nhân đi xe máy tử vong tại chỗ.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, hằng năm có khoảng 40% số vụ TNGT, 11% số người chết có liên quan rượu, bia và con số này có xu hướng gia tăng. Dù Nghị định 100 và Nghị định 123 của Chính phủ đã tăng nặng hành vi vi phạm nồng độ cồn, tuy nhiên tình trạng sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện vẫn tiếp diễn gây nhiều tai nạn thương tâm.

Trong khi đó, kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới đối với các nạn nhân nhập viện vì TNGT, có tới hơn 36% số người lái xe máy và gần 67% người lái ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép.

Đề xuất phạt tù lái xe sử dụng rượu, bia dù chưa gây tai nạn

Theo luật hiện hành, Nghị định 100/2019/NĐ quy định, tùy vào loại phương tiện điều khiển, nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở mà người vi phạm sẽ bị xử phạt số tiền từ 18 - 40 triệu đồng và thời gian tước quyền sử dụng GPLX cũng tăng từ 6 tháng lên gấp 4 lần (24 tháng).

Ngoài ra, Luật giao thông đường bộ quy định trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đi quá tốc độ, vượt đèn đỏ, thiếu chú ý quan sát khi qua những điểm giao nhau gây tai nạn giao thông nếu hậu quả nghiêm trọng, người điều khiển phương tiện trong tình huống này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đặc biệt, nếu người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông gây tai nạn giao thông sẽ là tình tiết để tăng nặng tính chất của sự việc cũng như có thể xác định là tình tiết định khung hình phạt.

Tuy nhiên tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn vẫn tiếp tục có xu hướng tăng và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đã đề xuất sửa Luật Hình sự để phạt tù lái xe sử dụng rượu, bia dù chưa gây hậu quả.

Tại hội thảo giải pháp nâng cao an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam sáng 31/5, TS Lê Thu Huyền (Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng, hiện nay số vụ tai nạn liên quan đến rượu bia ở Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn, trung bình khoảng 36% tổng số vụ, trong khi tỷ lệ trên thế giới là 11-25%.

Tuy nhiên, số vụ TNGT, số người chết có liên quan rượu, bia hằng năng vẫn có xu hướng gia tăng. Để tăng mức răn đe, bà Huyền đề nghị sửa đổi các quy định hiện nay với lái xe vi phạm nồng độ cồn, như: Trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến, buộc thi lại giấy phép lái xe, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe, tạm giữ xe, đặc biệt vi phạm nghiêm trọng có thể phạt tù.

Lực lượng CSGT cần tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác kiểm tra, phát hiện tài xế vi phạm và xử phạt thật nghiêm.

Hiện nay, mức phạt cao nhất với người đi ôtô có nồng độ cồn trong máu vượt 80 mg/100 ml hoặc vượt 0,4 mg/lít khí thở là 30-40 triệu đồng, tước bằng lái 22-24 tháng. Bà Huyền đề xuất mức này nên chia ra 80-160 mg/100ml, 160-240 mg/100 ml máu để xử phạt tăng nặng. Nếu lái xe có nồng độ cồn cao hơn 240 mg/100 ml máu thì có thể bị phạt tù.

Ngoài ra, vị chuyên gia này còn đề nghị, cần lưu trữ hồ sơ vi phạm và quản lý chặt chẽ tái phạm và xử phạt lũy tiến đối với các hành vi tái phạm vi phạm nồng độ cồn.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức thông tin: Các nước phát triển trên thế giới đều có lộ trình xử lý vi phạm nồng độ cồn gây mất ATGT, trước hết là xử phạt vi phạm hành chính, nếu mức vi phạm vẫn leo thang sẽ áp dụng biện pháp xử lý hình sự, vừa phạt tiền vừa bỏ tù đối tượng vi phạm.

“Tôi nghĩ, Việt Nam cũng sẽ đi theo hướng này, vấn đề chỉ là thời gian, thời điểm thích hợp để thay đổi. Cần xác định rõ lộ trình và từng bước thực hiện để đạt được hiệu quả.

Sau một thời gian đánh giá, nếu vi phạm vẫn tiếp tục leo thang cần chuyển hướng sang xử lý hình sự, người dân có thể dễ dàng chi vài chục triệu đồng để nộp phạt nếu vi phạm nhưng khi bị bỏ tù, sẽ sợ ngay”, ông Tuấn kiến nghị.

Kết luận tại Hội nghị, Đại diện Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải, ghi nhận các đề xuất và sẽ báo cáo với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải để chỉnh sửa Luật Giao thông đường bộ hoặc các quy định dưới luật.

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.