Tại cuộc họp báo do TP.HCM tổ chức thông tin tình hình dịch Covid-19, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), nhấn mạnh: “Tôi khẳng định bệnh nhân 1342 vi phạm quy định cách ly tập trung, vi phạm quy định cách ly tại nhà đã cam kết”.
Luật sư Nguyễn Quốc Cường (đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo công văn 3588 ngày 2-7-2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thì thành viên thuộc tổ bay cách ly tại khu tập trung trong 72 giờ nếu có đủ 2 lần xét nghiệm âm tính sẽ được về nhà tiếp tục cách ly, theo dõi.
Do đó, việc bệnh nhân 1342 được về nhà sau khi cách ly tập trung 4 ngày và 2 lần xét nghiệm âm tính là đúng quy định.
Tuy nhiên, trong quá trình cách ly tập trung ở khu cách ly của Vietnam Airlines, người này có tiếp xúc một tiếp viên của chuyến bay khác là bệnh nhân 1325. Đây là một kẽ hở trong quá trình cách ly tập trung.
Theo quy định tại công văn 3588 thì sau khi cách ly tập trung thì bệnh nhân 1342 phải tiếp tục cách ly tại nơi cư trú đến khi đủ 14 ngày. Tuy nhiên người này đã không tuân thủ quy định về cách ly y tế tại nhà, tiếp xúc gần với 3 người khác, làm lây lan dịch bệnh.
Hành vi của bệnh nhân 1342 có thể được coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại điểm c, khoản 1, điều 240 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), được hướng dẫn bởi Công văn số 45 của TAND tối cao.
Theo văn bản số 925/STP-PBGDPL quy định về phòng, chống Covid-19, người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch bị phạt tiền tối đa đến 20 triệu đồng.
Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị xử phạt hành chính tối đa đến 10 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự trong trường hợp gây truyền dịch bệnh cho người khác.
Những người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà làm gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự.
BN 1342 vi phạm rất nghiêm trọng quy định về cách ly và đã gây ra hậu quả lây lan ra cộng đồng nên cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nhằm răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội, để góp phần chống dịch COVID-19.