Vụ nhánh cây đa cổ thụ tại khu vực cổng làng Trung Nha (phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) bị gãy, đổ chắn đường vành đai 2, sáng 13/6 vẫn đang xôn xao dư luận. Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng đã di dời, cắt bỏ xong phần nhánh cây đa bị đổ và giải phóng hiện trường vào lúc 9h cùng ngày.
Theo vị lãnh đạo, phần nhánh cây đa cổ thụ bị đổ, gãy là phần thân chính của cây, hiện đã bị mục ruỗng bên trong. Sự việc xảy ra vào khoảng 2-3h sáng cùng ngày. Sau khi nhận được tin báo, phía công ty cây xanh đã điều động khoảng 20 người ra hiện trường để xử lý vụ việc.
Được biết, tháng 3/2012 dự án xây dựng đường vành đai 2 Hà Nội, đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy do Ban Quản lý dự án đầu tư đầu tư và phát triển giao thông đô thị (chủ đầu tư) được thực hiện, tuy nhiên cây đa cổ thụ này vẫn được giữ lại, vị trí của cây đa nằm án ngữ ngay giữa tuyến đường vành đai 2 đoạn Bưởi - Võ Chí Công.
Chia sẻ về việc quản lý, chăm sóc cây đa, theo đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, sau khi đơn chủ đầu tư hoàn thành xong dự án, cây đa này được bàn giao lại cho phía công ty quản lý và chăm sóc.
“Hàng năm, đơn vị vẫn thường xuyên tiến hành các biện pháp cắt bỏ các cành cây xấu, có nguy cơ bị gãy, đổ vào mùa mưa bão. Tuy nhiên đây là một cây đa đã có độ tuổi rất lâu đời nên hiện phần phía trong thân cây hiện đã bị mục ruỗng, nếu nhìn từ phía dưới thì rất khó phát hiện”, vị đại diện nói.
Cũng theo vị lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, cây đã cổ thụ nằm án ngữ tại đường vành đai 2 là một cây đa có yếu tố tâm linh nên khi thực hiện việc chăm sóc, cắt tỉa cây… cán bộ, nhân viên của công ty cũng phải rất cẩn thận, tránh làm nguy hại tới cây.
Nhiều người dân sống tại khu vực phường Nghĩa Đô cho biết, cây đa kể trên cao hơn 20m, tán rộng hơn 100 m2, có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, giống như một báu vật linh thiêng của làng nên không thể chặt bỏ.
Ông Lại Bố Trường (phường Nghĩa Đô) cho hay, từ nhỏ ông đã được nghe các cụ trong làng kể về cây đa cổ này. Theo đó, tuổi đời của cây đa này ít nhất cũng khoảng 200 năm tuổi: “Cây đa cổ này không chỉ giống như một “di tích” văn hóa của làng mà còn là nhân chứng lịch sử chứng kiến biết bao đổi thay của làng”, ông Trường nói.
Theo Dân Trí