Cúm A (H1N1) còn được gọi là cúm lợn là một loại virus cúm mới, là một trong các bệnh cúm mùa hiện nay. Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em.
Bệnh cúm xuất hiện khi cơ thể nhiễm virus cúm A/H1N1, xảy ra hằng năm, thường vào mùa lạnh và thời điểm giao mùa, có tốc độ lây lan nhanh. Cúm A/H1N1 dễ dàng lây bệnh từ người này sang người khác như các chủng cúm mùa thông thường khác (cúm A/H3N2, cúm B,...) và có thể hình thành đại dịch.
Khi bị nhiễm cúm A/H1N1, người bệnh thường có các biểu hiện như: Sốt, thường trên 38°C, ớn lạnh, nhức đầu, đau viêm họng, đau mình, nhức cơ, sổ mũi, hắt hơi, ho khan, mệt mỏi, suy nhược, nôn mửa và tiêu chảy,...
Hiện nay, trên cả nước dịch cúm A/H1N1 đang xuất hiện khắp các tỉnh thành, người dân hoang mang trước căn bệnh này, virus cúm A/H1N1 có nguy hiểm không?
Virus cúm A/H1N1 có nguy hiểm không?
Theo chuyên gia, bệnh do virus cúm A thường nhẹ, hầu hết người bệnh có thể phục hồi mà không cần sử dụng thuốc điều trị. Tuy nhiên trong một số trường hợp, cúm A H1N1 có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng và gây tử vong.
Các biến chứng nguy hiểm của cúm A bao gồm: Biểu hiện suy hô hấp lâm sàng, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, có dấu hiệu nặng lên của bác bệnh mạn tính kèm theo...
Nhóm đối tượng nguy cơ dễ bị cúm A/H1N1 biến chứng bao gồm:
- Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ bị suy dinh dưỡng, hen phế quản, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải...
- Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên.
- Phụ nữ có thai.
- Người mắc các bệnh lý mạn tính (tim, gan, phổi, máu, thần kinh...)
- Người bị suy giảm miễn dịch. Bệnh nhân đang điều trị ung thư, HIV/AIDS..
Cách phòng ngừa virus cúm A/H1N1?
- Vào mùa dịch nên tránh đến nơi tập trung đông người hoặc nơi đang có nghi ngờ có dịch cúm
- Khi ho hoặc hắt hơi nên che mũi, miệng bằng khăn, vứt khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng.
- Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng hoặc chất tẩy rửa có cồn, đặc biệt là sau khi ho hoặc hắt hơi.
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng.
- Không khạc nhổ bừa bãi.
- Hằng ngày nên sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng.
- Ăn uống đủ chất và tập luyện thể dục thể thao đều đặn để tăng cường sức đề kháng của cơ thể, phòng ngừa nhiễm virus cúm A/H1N1.
- Tránh tiếp xúc và dùng chung đồ dùng cá nhân của người mắc bệnh cúm A/H1N1.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để ngăn ngừa sự lây lan của virus cúm: Giữ sạch các bề mặt như bàn ghế, quầy bếp, đồ chơi trẻ em bằng cách lau chùi chúng với chất khử trùng; vệ sinh riêng khăn trải giường, dụng cụ ăn uống của người nhiễm virus cúm.
- Những trường hợp bị sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị thích hợp, phòng tránh lây lan rộng trong cộng đồng.
Biện pháp tốt nhất để phòng tránh cúm là tiêm vắc-xin ngừa cúm hằng năm. Trẻ em và người lớn nên đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi và tiêm nhắc lại để chủ động phòng ngừa nguy cơ mắc cúm.
Bài viết có tham khảo thông tin: Vinmec, VNVC, Medlatec, Hongngochospital