Đời Sống

Cậu bé trong chiếc hộp: Bí ẩn kinh hoàng tại Philadelphia vẫn chưa tìm được lời giải sau hơn 60 năm

Quỳnh Trang - 15/03/2021 21:50 GMT+7

Mặc dù đã có nhiều giả thuyết được đặt ra nhưng danh tính hung thủ của vụ án “cậu bé trong chiếc hộp” vẫn còn là một ẩn số cho đến tận ngày nay

Phát hiện thi thể

Vào cuối tháng 2 năm 1957, một thanh niên chợt phát hiện xác một cậu bé bên trong một chiếc hộp khi đang kiểm tra bẫy chuột xạ hương ở khu Fox Chase, Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ. Tuy nhiên, anh ta không báo cảnh sát vì lo sợ những chiếc bẫy của mình sẽ bị tịch thu.

Vài ngày sau, vào chiều ngày 25 tháng 2, một sinh viên đại học đang lái xe trên đường cao tốc thì bắt gặp một chú thỏ. Vì biết khu vực này thường xuyên có bẫy nên anh chàng quyết định dừng lại, tìm và vứt bỏ chiếc bẫy đi. Trong quá trình tìm kiếm, chàng sinh viên bắt gặp chiếc hộp chứa thi thể cậu bé nhưng cũng phải đến một ngày sau đó mới báo cảnh sát.

Khi được tìm thấy, đứa trẻ ở trong tình trạng nằm ngửa trong chiếc hộp carton lớn - loại dùng để đựng nôi trẻ em, trần truồng và được quấn một chiếc chăn rẻ tiền. Cảnh sát nghi ngờ rằng tóc của cậu bé đã được cắt tỉa trong khoảng thời gian trước hoặc sau khi chết vì những sợi tóc vụn vẫn còn dính trên thi thể.

Boy in the box
Hiện trường vụ án

Nhiều người tin rằng cậu bé khoảng 4-6 tuổi. Qua xét nghiệm tử thi cho thấy cậu bé bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và từng bị lạm dụng, ngược đãi. Một loạt những vết bầm tím và vết sẹo được tìm thấy ở các vùng khác nhau trên cơ thể cậu bé. Có hai vết sẹo phẫu thuật, một ở háng và một ở mắt cá chân, cũng như một vết sẹo hình chữ 'L' ở cằm.

Cuộc điều tra bắt đầu

Sở cảnh sát Philadelphia mở cuộc điều tra vào ngày 26 tháng 2 năm 1957, lấy dấu vân tay của cậu bé và tin chắc rằng vụ án sẽ nhanh chóng được giải quyết. Nhưng mọi chuyện không như dự kiến vì hiện trường vụ án không có manh mối.

Hộp các tông chứa thi thể cậu bé là một chiếc hộp đựng nôi của cửa hàng địa phương - JC Penny. Tuy nhiên, cửa hàng này chỉ sử dụng tiền mặt nên cảnh sát không thể tìm ra người đã mua chiếc nôi đó.

Boy in the box 1
Hộp các tông chứa thi thể của cậu bé xấu số

Ngoài ra, có hàng nghìn chiếc chăn flannel tương tự như chiếc mà nạn nhân đã quấn, và cảnh sát cũng không thể truy ra chủ nhân của chiếc mũ lưỡi trai nam được tìm thấy gần hiện trường. Dấu vân tay của cậu bé không có trong hồ sơ và rất khó tìm ra dấu chân trùng khớp vì bàn chân của cậu bị nhăn do ngâm nước lâu ngày.

Vụ việc đã thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông. Nhiều tờ báo đưa tin về tội ác này nhằm giúp đỡ việc tìm kiếm danh tính của cậu bé và tên hung thủ. 400.000 tờ rơi đã được dán trong khu vực, gửi qua đường bưu điện và đính kèm với hóa đơn tiền xăng. Tuy nhiên, vẫn không ai nhận dạng được đứa trẻ.

Boy in the box 2
Miêu tả về cậu bé trên một tờ rơi

Nhiều giả thuyết được đặt ra

Trong suốt 60 năm qua, có rất nhiều giả thuyết, manh mối được đặt ra về cái chết bí ẩn của cậu bé xấu số nhưng tất cả đều bị bác bỏ vì không có đủ bằng chứng. Sau khi xảy ra vụ án, có rất nhiều gia đình mất con tìm đến cảnh sát. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn không chứng minh được những người này có liên quan tới đứa trẻ.

Năm 1960, một nhân viên của văn phòng giám định pháp y được một nhà ngoại cảm cho biết cậu bé trong chiếc hộp đến từ một nhà tình thương địa phương. Điều tra viên này đã tìm thấy một chiếc nôi tương tự như chiếc nôi được quảng cáo trên chiếc hộp chứa thi thể cậu bé. Ngoài ra, ông còn phát hiện chăn được dùng ở đó hoàn toàn trùng khớp với chiếc chăn quấn quanh người nạn nhân. Song, ngoại trừ yếu tố đó, không còn bất cứ mối liên kết nào tồn tại giữa nạn nhân với nhà tình thương này.

Một giả thiết khác được đưa ra, nạn nhân có thể là Steven Damman, một cậu bé bị mất tích vào đêm Halloween năm 1955 tại New Jersey. Marilyn Damman đã để hai đứa con của mình bên ngoài cửa hàng tạp hóa trong khi cô vào mua đồ. Khi cô quay lại, bọn trẻ đã biến mất. Sau quá trình tìm kiếm, chỉ một trong hai đứa trẻ là Pamela được tìm thấy, còn Steve thì không.

Ngoại hình bên ngoài của Steve được cho là giống hệt cậu bé trong chiếc hộp. Tuy nhiên, Steve từng bị gãy tay, còn cậu bé trong chiếc hộp thì không. Kết quả xét nghiệm DNA năm 1998 cuối cùng đã xác nhận rằng cậu bé trong chiếc hộp không phải là Steven Damman.

Boy in the box 3
Những hình ảnh tái tạo lại khuôn mặt của cậu bé

Vào tháng 2 năm 2002, một người phụ nữ có tên Martha tuyên bố rằng mẹ cô đã mua cậu bé từ một gia đình khác vào năm 1954. Bà cho biết cậu tên là Johnathan và đã bị lạm dụng tình dục và bị ngược đãi trong khoảng 2 năm trước khi chết.

Theo lời kể của Martha, vào ngày xảy ra vụ án, cậu bé nôn mửa sau khi ăn món đậu nướng nên bị mẹ của bà trừng phạt bằng cách đập đầu vào tường. Sau trận hành hung, người phụ nữ đưa cậu đi tắm nhưng khi đó, nạn nhân đã tử vong. Martha còn nói rằng mẹ bà đã cắt tóc cho cậu bé để khó nhận dạng cậu bé hơn.

Tuy nhiên, cảnh sát không thể xác minh độ chân thật trong những tuyên bố của Martha, và những người hàng xóm nói rằng họ chưa từng nhìn thấy đứa trẻ nào xuất hiện trong nhà của bà ta. Martha cũng từng có tiền sử bệnh tâm thần, điều này khiến lời khai của bà không được tin tưởng.

Bí ẩn vẫn chưa được giải đáp

Vào ngày 24/7/1958, cậu bé được chôn ở một cánh đồng gần Bệnh viện bang Philadelphia. Một tấm bia đá được đặt trên mộ với dòng chữ: "Xin Cha trên thiên đường ban phước cho bé trai vô danh này".

Boy in the box 4

Trong nhiều năm sau đó, các nhà điều tra vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm, nhiều người tự mình tìm kiếm, với hy vọng rằng sẽ xác định được danh tính của cậu bé và hung thủ, nhưng vụ án vẫn chưa được giải đáp cho đến tận ngày nay.

Án mạng Alice cùng những lá bài đẫm máu bên nạn nhân: Kỳ án "thách thức" cảnh sát Nhật Bản hơn 2 thập kỷ