Đời Sống

Cuộc sống 11 năm sau của "tỉ phú" Long An trúng độc đắc: Vẫn ở nhà cũ, vẫn chạy xe ba gác, 2 vợ sống hòa thuận, phân phát hết tiền cho người thân

Lân Lan - 29/05/2022 10:00 GMT+7

Sau khi trúng thưởng, người đàn ông ở thị trấn Bến Lức không giữ nhiều tiền cho bản thân mà chỉ mong muốn một cuộc sống bình thường.

Ngày 29/12/2011, Thanh niên đăng tải một câu chuyện trúng vé số của một người lái xe ba gác, tên là Đỗ Ngọc Tuấn (41 tuổi, ngụ khu phố 2, đường Bà Chánh Thâu, thị trấn Bến Lức, Long An), hay thường được gọi là Bôn "ba gác". Ông Tuấn thường xuyên dành hàng trăm nghìn mua vé số nhưng chưa lần nào trúng số trong hàng chục năm ròng.

Vào một buổi chiều ngày 15/11, khi ông Tuấn đang giao hàng cho khách, điện thoại bất chợt đổ chuông , màn hình hiện tên người gọi “Lành vé số”. Sau khi nghe người bán vé số nói "Anh cầm 200.000 đồng tới quán cà phê Cây Mai trả cho tui đi. Mấy tờ anh mua thiếu trúng độc đắc rồi nè”, ông Tuấn không tin mà vẫn chỉ cho rằng người này đòi tiền 20 tờ vé số chưa trả. Là khách quen của cô Lành, những khi không gặp trực tiếp được, ông thường mua qua miệng như thế nên chẳng nắm rõ tình hình ra sao.

cuoc-song-11-nam-sau-cua-ti-phu-long-an-trung-doc-dac

11653746259.jpeg

Nói đoạn, ông nói “Thôi đừng có xạo. Đang kẹt tiền phải không? Để giao hàng xong tui lấy tiền người ta rồi đem lại trả” rồi cụp máy và làm tiếp việc của mình. Nhận 300.000 đồng tiền công của khách hàng, ông chạy xe tới quán Cây Mai để trả nợ cho người bán vé số. Cô Lành run run nói: “Anh cầm đi, lốc này có 10 tờ số đuôi 07 trúng hết rồi. Có 4 tờ trúng đặc biệt, còn lại là giải an ủi”.

Tra đi tra lại, quả thật, dãy số 191207 đã mang lại cho ông Tuấn may mắn bất ngờ: 3 vé trúng độc đắc trong đó mỗi vé trị giá 1,5 tỷ đồng cùng hơn 10 vé trúng giải an ủi, mỗi vé trị giá 100 triệu đồng, tổng tiền trúng thưởng là gần 6 tỷ đồng. Cảm động vì tấm lòng cô Lành đã chân thật, ông Tuấn rút một tờ vé số kèm tờ tiền 200.000 đồng: “Tôi trả nợ cho cô, tặng cô một tờ để làm vốn”.

Mới đây, khi Dân trí liên hệ với ông Tuấn, thật ngạc nhiên khi cuộc sống của ông chẳng có gì thay đổi, vẫn ở căn nhà cũ, vẫn chạy xe ba gác hằng ngày chở hàng thuê cho bà con trong chợ. Sau khi đổi đời là tỉ phú, ông Tuấn nhìn nhiều người "tan cửa nát nhà" vì thói ăn chơi quá độ, sinh thói hư hỏng, ông cũng lo mình bỗng có một khoản tiền lớn trong tay rồi tính tình thay đổi. Vì vậy, ông quyết định phân phát hết cho mọi người.

Như lời hứa, ông xây cho mẹ già một căn nhà cấp 4, số tiền còn lại ông cho họ hàng thân thích chừng 30 người, thậm chí trả nợ giúp họ. Ông còn chi hàng chục triệu đồng mở tiệc tùng mời bạn bè, hàng xóm. Số tiền 600 triệu đồng ông gửi vào ngân hàng.

Ông từng kể trên NLĐ, trong một lần chở sắt cho cửa hàng xây dựng, thanh sắt bén ngót đã cắt gần như đứt lìa cánh tay trái, “Lúc đó nghèo quá, tai nạn lại xảy ra trong lúc vợ chồng tôi phải chạy gạo từng bữa nên càng khổ. Tiền viện phí, thuốc men gần 50 triệu đồng đều một tay chị tôi lo”. Vì thế, đối với người chị ruột đã giúp ông có tiền viện phí trong những ngày tháng khó khăn, ông Tuấn cũng đã trích một khoản tiền lớn để báo đáp công ơn của người chị.

Hiện tại, ông Tuấn thấy vui với cuộc sống bình thường hiện tại. "Tôi có 2 vợ, nhà gần nhau nhưng hòa thuận. Tôi lại từng trúng độc đắc để được trải nghiệm cảm giác làm tỷ phú. Giờ về già cũng sống an nhàn, con cái chăm ngoan, nhìn lại cuộc đời tôi thấy mình may mắn", ông Tuấn tâm sự trên Dân trí.

Theo Trí Thức Trẻ